1. Tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 9/2019

– Tình hình doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường:

Trong tháng 9/2019, số doanh nghiệp thành lập mới là 11.787 doanh nghiệp với số vốn đăng ký là 140.152 tỷ đồng, tăng 28,6% về số doanh nghiệp và tăng 65,3% về số vốn so với cùng kỳ năm 2018. Vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 9 đạt 11,9 tỷ đồng, tăng 28,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 9/2019 là 97.579 người, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm 2018.

Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng 9/2019 là 2.413 doanh nghiệp, giảm 10,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

– Tình hình doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường:

Số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong tháng 9/2019 là 1.521 doanh nghiệp, giảm 18,1% so với cùng kỳ năm 2018.

Số doanh nghiệp chờ hoàn thành thủ tục giải thể trong tháng 9/2019 là 2.716 doanh nghiệp, giảm 33,0% so với cùng kỳ năm 2018.

Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong tháng 9/2019 là 1.521 doanh nghiệp, giảm 36,7% so với cùng kỳ năm 2018.

– Tình hình doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đăng ký:

Số doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký trong tháng 9/2019 là 4.359 doanh nghiệp, giảm 1,0% so với cùng kỳ năm 2018.

  1. Tình hình đăng ký doanh nghiệp 9 tháng đầu năm 2019

2.1. Tình hình doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường

Tổng số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 9 tháng đầu năm 2019 là 129.868 doanh nghiệp (tăng 8,7% so với cùng kỳ 2018), bao gồm: 102.274 doanh nghiệp thành lập mới (tăng 5,9%) và 27.594 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 20,5%). Trung bình mỗi tháng có 14.429 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường.

  1. a) Tình hình doanh nghiệp thành lập mới

– Tình hình chung:

Trong 9 tháng đầu năm 2019, số lượng doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký tiếp tục đạt mức cao nhất so với cùng kỳ của các năm trước đây. Đặc biệt, ở giai đoạn 2015 – 2019, tình hình doanh nghiệp thành lập mới trong 9 tháng đầu năm đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ (Biểu đồ 1). Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2019, cả nước có 102.274 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 1.290.816 tỷ đồng, tăng 5,9% về số doanh nghiệp và tăng 34,0% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018. Vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong 9 tháng đầu năm 2019 đạt 12,6 tỷ đồng, tăng 26,6% so với cùng kỳ năm 2018.

Biểu đồ 1: So sánh số lượng doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký trong 9 tháng đầu của các năm trong giai đoạn 2015 – 2019

Tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2019

Riêng trong Quý III/2019, cả nước có 35.316 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 430.621 tỷ đồng, tăng 10,1% về số doanh nghiệp và tăng 37% về số vốn so với cùng kỳ năm 2018.

Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong 9 tháng đầu năm 2019 là 929.857 lao động, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2018.

Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 9 tháng đầu năm 2019 là 3.021.252 tỷ đồng (tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2018), bao gồm: số vốn đăng ký của doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 1.290.816 tỷ đồng (tăng 34,0%) và số vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp là 1.730.436 tỷ đồng (giảm 8,0%) với 29.790 doanh nghiệp đăng ký tăng vốn.

– Phân theo lĩnh vực hoạt động:

Trong 9 tháng đầu năm 2019, có 1.487 doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (chiếm 1,5%) với tổng số vốn đăng ký là 19.356 tỷ đồng (chiếm 1,5%), tăng 10,7% về số doanh nghiệp, giảm 23,5% về số vốn so với cùng kỳ 2018; có 27.532 doanh nghiệp thuộc khu vực Công nghiệp và Xây dựng[1] (chiếm 26,9%) với tổng số vốn đăng ký là 403.903 tỷ đồng (chiếm 31,3%), tăng 6,6% về số doanh nghiệp, tăng 36,4% về số vốn; có 73.255 doanh nghiệp thuộc khu vực Dịch vụ (chiếm 71,6%) với tổng số vốn đăng ký là 867.557 (chiếm 67,2%), tăng 5,5% về số doanh nghiệp, tăng 35,1% về số vốn.

Số lượng doanh nghiệp thành lập mới vẫn tập trung chủ yếu ở các ngành: Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy với 33.402 doanh nghiệp (chiếm 32,7%) và số vốn đăng ký là 130.341 tỷ đồng (chiếm 10,1%); tiếp đến là ngành Xây dựng có 12.945 doanh nghiệp (chiếm 12,7%) với số vốn đăng ký là 188.845 tỷ đồng (chiếm 14,6%); ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo có 12.933 doanh nghiệp (chiếm 12,6%) với số vốn đăng ký là 133.264 tỷ đồng (chiếm 10,3%).

Có 15 ngành kinh doanh chính có số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm 2018, trong đó, các ngành có tỷ lệ tăng cao nhất là: Sản xuất, phân phối điện, nước, gas (tăng 39,3%); Hoạt động dịch vụ khác (tăng 24,6%); Kinh doanh bất động sản (tăng 20,7%).

Có 02 ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm so với cùng kỳ năm 2018 là Dịch vụ lưu trú và ăn uống (giảm 4,5%) và Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (giảm 17,8%). Trong đó, ngành Dịch vụ lưu trú và ăn uống cần đặc biệt lưu ý do số lượng doanh nghiệp và số vốn đăng ký cùng giảm (số vốn giảm 28,0%). Các ngành khác cũng có số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới giảm là Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội (giảm 50,4%), Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (giảm 23,5%), Bán buôn; bán lẻ; sữa chữa ô tô, xe máy (giảm 11,1%), Nghệ thuật, vui chơi và giải trí (giảm 8,9%).

– Phân theo địa bàn:

Trong 9 tháng đầu năm 2019, tất cả 06 vùng lãnh thổ đều có sự gia tăng về doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký.

Khu vực Đông Nam Bộ có số lượng doanh nghiệp thành lập mới đạt cao nhất với 43.362 doanh nghiệp (chiếm 42,4% cả nước) và số vốn đăng ký là 625.775 tỷ đồng (chiếm 48,5% cả nước), tăng 5,2% về số doanh nghiệp và tăng 43,1% về số vốn so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, tại TP. Hồ Chí Minh có 33.032 doanh nghiệp (chiếm 76,2% của khu vực và chiếm 32,3% cả nước) với số vốn đăng ký là 522.160 tỷ đồng (chiếm 83,4% của khu vực và chiếm 40,5% cả nước), tăng 3,3% về số doanh nghiệp và tăng 47,8% về số vốn.

Tiếp đó là Đồng bằng Sông Hồng với 31.012 doanh nghiệp (chiếm 30,3% cả nước) và số vốn đăng ký là 366.923 tỷ đồng (chiếm 28,4% cả nước), tăng 8,0% về số doanh nghiệp và tăng 27,6% về số vốn so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, Thủ đô Hà Nội có 20.390 doanh nghiệp (chiếm 65,7% của khu vực và chiếm 19,9% cả nước) với số vốn đăng ký là 265.869 tỷ đồng (chiếm 72,5% của khu vực và chiếm 20,6% cả nước), tăng 9,8% về số doanh nghiệp và tăng 33,7% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018.

Tây Nguyên có sự gia tăng mạnh mẽ nhất về số lượng doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký với 2.647 doanh nghiệp (chiếm 2,6% cả nước), tăng 13,4% và số vốn đạt 34.454 tỷ đồng (chiếm 2,7%), tăng 124,6%.

– Phân theo quy mô vốn:

 Doanh nghiệp thành lập mới tập trung chủ yếu ở quy mô vốn từ 0 – 10 tỷ đồng với 90.722 doanh nghiệp (chiếm 88,7%, tăng 5,0% so với cùng kỳ 2018) và ít nhất là ở quy mô vốn từ 50 – 100 tỷ đồng với 1.369 doanh nghiệp (chiếm 1,3%, tăng 13,0%). Một điều đáng mừng là sự gia tăng tương đối mạnh mẽ về số lượng doanh nghiệp thành lập mới ở quy mô vốn trên 100 tỷ đồng với 1.433 doanh nghiệp (chiếm 1,4%, tăng 22,4%).

  1. b) Tình hình doanh nghiệp quay trở lại hoạt động

– Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 9 tháng đầu năm 2019 là 27.594 doanh nghiệp, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm 2018.

– Trong 9 tháng đầu năm 2019, có 02 ngành kinh doanh chính có số lượng doanh nghiệp quay lại hoạt động giảm là: Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản có 437 doanh nghiệp, giảm 28,6%; Hoạt động dịch vụ khác có 300 doanh nghiệp, giảm 1,0%.

Số lượng doanh nghiệp quay lại hoạt động trong 9 tháng đầu năm 2019 tập trung chủ yếu ở các ngành: Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có 10.714 doanh nghiệp, tăng 29,4%; Xây dựng có 4.171 doanh nghiệp, tăng 17,2%; Công nghiệp chế biến chế tạo có 3.226 doanh nghiệp, tăng 6,3%. Khai khoáng và Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm là các ngành có tỷ lệ tăng doanh nghiệp quay lại hoạt động cao nhất, đạt lần lượt là 41,9% và 32,1%.

– Phân theo địa bàn, trong 9 tháng đầu năm 2019, tất cả các vùng lãnh thổ đều có số lượng doanh nghiệp quay lại hoạt động tăng so với cùng kỳ 2018, cụ thể: Đồng bằng Sông Hồng có 8.557 doanh nghiệp, tăng 24,8%, Trung du và miền núi phía Bắc có 1.613 doanh nghiệp, tăng 70,3%, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung có 4.453 doanh nghiệp, tăng 27,0%, Tây Nguyên có 861 doanh nghiệp, tăng 21.3%, Đông Nam Bộ có 10.355 doanh nghiệp, tăng 11,8%, Đồng bằng Sông Cửu Long có 1.755 doanh nghiệp, tăng 8,7%.

2.2. Tình hình doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường

Trong 9 tháng đầu năm 2019, có 61.573 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (tăng 0,7% so với cùng kỳ 2018), bao gồm: 21.243 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (giảm 7,9%), 28.254 doanh nghiệp chờ giải thể (tăng 6,3%), 12.076 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể (tăng 4,7%). Trung bình mỗi tháng có 6.841 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

  1. a) Tình hình doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn 

– Số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn của cả nước trong 9 tháng đầu năm 2019 là 21.243 doanh nghiệp, giảm 7,9% so với cùng kỳ năm 2018. Đây là những doanh nghiệp đã thực hiện thủ tục đăng ký tạm ngừng kinh doanh dưới 01 năm với cơ quan đăng ký kinh doanh, sau khi kết thúc thời gian tạm ngừng có thể sẽ quay trở lại hoạt động kinh doanh.

– Trong 9 tháng đầu năm 2019, có 4 ngành kinh doanh chính có sự gia tăng về số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động là: Dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc, thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (1.108 doanh nghiệp, tăng 0,1%), Kinh doanh bất động sản (422 doanh nghiệp, tăng 27,5%), Tài chính, ngân hàng va bảo hiểm (194 doanh nghiệp, tăng 18,3%), Sản xuất, phân phối điện, nước, gas (127 doanh nghiệp, tăng 11,4%).

– Phân theo địa bàn, tất cả các vùng lãnh thổ đều giảm về số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh. Đồng bằng Sông Hồng có số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh cao nhất với 7.553 doanh nghiệp (chiếm 35,6% cả nước), giảm 4,4%; tiếp đến là Đông Nam Bộ với 6.888 doanh nghiệp (chiếm 32,4%), giảm 9,5%.

  1. b) Tình hình doanh nghiệpchờgiải thể

– Trong 9 tháng đầu năm 2019, số doanh nghiệp chờ giải thể là 28.254 doanh nghiệp, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó có 11.934 doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; 9.934 doanh nghiệp đăng thông báo giải thể và 6.386 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể với cơ quan thuế.

– Các ngành kinh doanh chính có số lượng doanh nghiệp chờ giải thể lớn nhất là: Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy với 10.317 doanh nghiệp, chiếm 36,5%; Xây dựng có 3.987 doanh nghiệp, chiếm 14,1%; Công nghiệp chế biến, chế tạo có 3.504 doanh nghiệp, chiếm 12,4%.

– Đồng bằng Sông Hồng là khu vực có số lượng doanh nghiệp chờ giải thể lớn nhất với 9.702 doanh nghiệp, chiếm 34,3%; tiếp đến là khu vực Đông Nam Bộ có 8.593 doanh nghiệp, chiếm 30,4%.

  1. c) Tình hình doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể

– Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 9 tháng đầu năm 2019 là 12.076 doanh nghiệp, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2018.

– Có 4 ngành có số lượng doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể giảm là: Công nghiệp chế biến chế tạo có 1.341 doanh nghiệp, giảm 16,7%; Xây dựng có 1.172 doanh nghiệp, giảm 11,9%; Nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản có 275 doanh nghiệp, giảm 3,8%; Khai khoáng có 85 doanh nghiệp, giảm 52,0%.

Các ngành có tỷ lệ gia tăng doanh nghiệp giải thể mạnh nhất là: Kinh doanh bất động sản có 463 doanh nghiệp, tăng 51,3%; Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm có 152 doanh nghiệp, tăng 36,9%.

– Phân theo vùng lãnh thổ, hai vùng có số lượng doanh nghiệp giải thể giảm là: Trung du và miền núi phía Bắc (635 doanh nghiệp, giảm 10,7%) và Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung (1.803 doanh nghiệp, giảm 36,6%).

Khu vực Đông Nam Bộ có số lượng doanh nghiệp giải thể lớn nhất với 4.621 doanh nghiệp (chiếm 38,3% cả nước), tăng 21,3%. Đồng bằng Sông Hồng có 2.409 doanh nghiệp giải thể (chiếm 19,9%), tăng 6,5%. Đồng bằng Sông Cửu Long có sự gia tăng đột biến về số lượng doanh nghiệp giải thể với 2.191 doanh nghiệp, tăng 44,0%.

2.3. Tình hình doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký

– Trong 9 tháng đầu năm 2019, trên cả nước có 26.171 doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2018. Đây là những doanh nghiệp không còn kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký, qua kiểm tra của cơ quan thuế thì không tìm thấy và không liên lạc được.

– Số lượng doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đăng ký tập trung chủ yếu ở các ngành: Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy (8.993 doanh nghiệp, chiếm 34,4%); Xây dựng (4.026 doanh nghiệp, chiếm 15,4%); Công nghiệp chế biến, chế tạo có 3.103 doanh nghiệp (chiếm 11,9%).

– Các địa phương có số lượng doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đăng ký lớn nhất là: Hà Nội (6.488 doanh nghiệp, chiếm 24,8% cả nước), TP Hồ Chí Minh (6.440 doanh nghiệp, chiếm 24,6%), Thanh Hóa (1.409 doanh nghiệp, chiếm 5,4%), Hải Phòng (976 doanh nghiệp, chiếm 3,7%).

Nguồn: Cục Quản lý đăng ký kinh doanh

Nguồn: https://dangkykinhdoanh.gov.vn/vn/tin-tuc/597/5008/tinh-hinh-dang-ky-doanh-nghiep-thang-9-va-9-thang-dau-nam-2019.aspx

Categories: Tin tức

Call Now Button