Số lượng đăng ký doanh nghiệp mới tăng kỷ lục trong năm 2016, theo thống kê từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Theo số liệu thống kê từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư), số doanh nghiệp đăng ký thành lập cả năm 2016[1] đạt kỷ lục cao chưa từng có là 110.100, tăng 16,2% so với năm 2015. Số vốn cam kết đưa vào thị trường là 891.094 tỷ đồng, đạt tỷ trọng 8,09 tỷ đồng cho mỗi doanh nghiệp thành lập mới; tăng 48,1% so cùng kỳ năm 2015. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 26.689 doanh nghiệp, tăng 43,1%. Theo nhận định của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông: “Đây là những con số hết sức “sống động” về sự tăng trưởng của doanh nghiệp Việt Nam những năm gần đây. Điều đó cho thấy “sức sống” của môi trường kinh doanh và những cơ hội đầu tư kinh doanh tiếp tục mở ra, thị trường chắc chắn sẽ cạnh tranh hơn và đây chính là động lực phát triển kinh tế trong thời kỳ hội nhập”.
[1] Tính đến hết ngày 20/12/2016
Các doanh nghiệp thành lập mới đã đăng ký tạo việc làm cho gần 1,3 triệu lao động. Lĩnh vực kinh doanh có tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới tăng cao so với cùng kỳ 2015 là kinh doanh bất động sản (tăng 83,9%), Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội (tăng 52%), Giáo dục đào tạo (tăng 43,1%). Ngược lại, một số ngành nghề kinh doanh có số lượng đăng ký mới giảm so với cùng kỳ là Nghệ thuật, vui chơi và giải trí (giảm 26,2%), Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (giảm 15%). Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội tiếp tục là những thành phố năng động, tập trung cơ hội đầu tư kinh doanh của các nước với số doanh nghiệp thành lập mới lần lượt là 36.442 và 22.663 doanh nghiệp. Tổng số doanh nghiệp của Hà Nội và Hồ Chí Minh chiếm 53,7% tổng số doanh nghiệp thành lập mới của cả nước. Tiếp theo là các địa phương như Bình Dương, Đà Nẵng, Đồng Nai, Hải Phòng, Khánh Hòa có tỷ lệ thành lập mới tăng khá so với cùng kỳ.
Số lượng doanh nghiệp đăng ký mới có xu hướng tăng cao đặc biệt kể từ khi Luật Doanh nghiệp 2014, Luật Đầu tư 2014 có hiệu lực thi hành. Năm 2015 đã tăng cao ấn tượng với số doanh nghiệp thành lập tăng 26,6% và số vốn đăng ký mới tăng 39,1% so với cùng kỳ. Cùng với đó, việc thực thi Luật Doanh nghiệp 2014 với yêu cầu rút ngắn thời gian đăng ký doanh nghiệp còn 03 ngày đã được thực hiện tốt. Hiện nay, thời gian trung bình xử lý hồ sơ đăng ký thành lập mới của cả nước được rút xuống chỉ còn2,9 ngày, thời gian trung bình xử lý hồ sơ đăng ký thay đổi thông tin đăng ký doanh nghiệp là 2,05 ngày. Tỷ lệ hồ sơ được chấp thuận ngay lần đầu tiên đạt gần 86%, tỷ lệ hồ sơ trả kết quả đúng hẹn đạt gần 90%.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã tích cực thực hiện các giải pháp để nâng cao tỷ lệ sử dụng phương thức đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử theo yêu cầu của Nghị quyết số 36a/NQ-CP[2] của Chính phủ. Trong năm 2016, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cho nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, cập nhật ứng dụng cho phép thực hiện đăng ký doanh nghiệp trực tuyến với hơn 100 quy trình cấp độ 03 trở lên, trong đó có 95 quy trình được triển khai ở cấp độ 04, đồng thời, Bộ cũng đã thực hiện công khai hóa toàn bộ quy trình đăng ký doanh nghiệp cũng như tình trạng hồ sơ doanh nghiệp trên Hệ thống Thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp để cộng đồng được biết, cập nhật việc xử lý hồ sơ của cơ quan đăng ký kinh doanh. Với sự chủ động, tích cực và quyết liệt trong triển khai, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thực hiện tốt các yêu cầu của Chính phủ trong việc hiện đại hóa, minh bạch hóa công tác đăng ký kinh doanh, trở thành một lĩnh vực có chỉ số cải cách cao nhất trong các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp theo đánh giá năm 2015 của VCCI[3].
Về tỷ lệ đăng ký trực tuyến, Bà Trần Thị Hồng Minh – Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho biết “Tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử của cả nước trong năm 2016 đạt 14%, riêng Quý IV/2016 đạt 35,26%, vượt yêu cầu tại Nghị quyết 36a/NQ-CP của Chính phủ. Dự kiến 2017, tỷ lệ này trên cả nước sẽ đạt 30%, là con số hết sức khích lệ, thể hiện nỗ lực cao của cơ quan đăng ký kinh doanh”. Tại thành phố Hà Nội tỷ lệ trong cả năm 2016 là 18%, riêng trong Quý IV/2016 là 51,15%. Tại thành phố Hồ Chí Minh tỷ lệ này đạt 25,37% trong cả năm 2016 và đạt 62,06% trong Quý IV/2016. Cùng với Huế, đăng ký kinh doanh Đà Nẵng, đây là các địa phương đi đầu trong việc đổi mới phương thức hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp thực hiện đăng ký doanh nghiệp trực tuyến.
Nguồn: Cục Quản lý đăng ký kinh doanh
0 Comments