1. Tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 12/2019
– Tình hình doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường:
Trong tháng 12/2019, số doanh nghiệp thành lập mới là 11.418 doanh nghiệp với số vốn đăng ký là 155.819 tỷ đồng, tăng 13,9% về số doanh nghiệp và giảm 36,1% về số vốn so với cùng kỳ năm 2018. Vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 12 đạt 13,6 tỷ đồng, giảm 43,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 12/2019 là 117.314 người, tăng 30,4% so với cùng kỳ năm 2018.
Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng 12/2019 là 3.466 doanh nghiệp, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
– Tình hình doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường:
Số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong tháng 12/2019 là 2.050 doanh nghiệp, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2018.
Số doanh nghiệp chờ hoàn thành thủ tục giải thể trong tháng 12/2019 là 6.504 doanh nghiệp, tăng 60,6% so với cùng kỳ năm 2018.
Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong tháng 12/2019 là 1.868 doanh nghiệp, tăng 28,6% so với cùng kỳ năm 2018.
– Tình hình doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đăng ký:
Số doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký trong tháng 12/2019 là 6.026 doanh nghiệp, tăng 67,4% so với cùng kỳ năm 2018.
2. Tình hình đăng ký doanh nghiệp năm 2019
2.1. Tình hình doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường
Tổng số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong năm 2019 là 177.560 doanh nghiệp (tăng 7,4% so với năm 2018), bao gồm: 138.139 doanh nghiệp thành lập mới (tăng 5,2%) và 39.421 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 15,9%). Trung bình mỗi tháng có 14.797 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường.
a) Tình hình doanh nghiệp thành lập mới
– Tình hình chung:
Trong năm 2019, số lượng doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký tiếp tục đạt mức cao nhất so với các năm trước. Đặc biệt, ở giai đoạn 2015 – 2019, tình hình doanh nghiệp thành lập mới trong năm đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Cụ thể, trong năm 2019, cả nước có 138.139 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 1.730.173 tỷ đồng, tăng 5,2% về số doanh nghiệp và tăng 17,1% về số vốn đăng ký so với năm 2018. Vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong năm 2019 đạt 12,5 tỷ đồng, tăng 11,2% so với năm 2018.
Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2019 là 1.254.368 lao động, tăng 13,3% so với năm 2018.
Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong năm 2019 là 4.003.127 tỷ đồng (tăng 3% so với năm 2018), bao gồm: số vốn đăng ký của doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 1.730.173 tỷ đồng (tăng 17,1%) và số vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp là 2.272.954 tỷ đồng (giảm 5,6%) với 40.076 doanh nghiệp đăng ký tăng vốn.
– Phân theo lĩnh vực hoạt động:
Trong năm 2019, có 2.029 doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (chiếm 1,5%) với tổng số vốn đăng ký là 25.585 tỷ đồng (chiếm 1,5%), tăng 9,9% về số doanh nghiệp, giảm 16,5% về số vốn so với năm 2018; có 36.562 doanh nghiệp thuộc khu vực Công nghiệp và Xây dựng[1] (chiếm 26,5%) với tổng số vốn đăng ký là 531.145 tỷ đồng (chiếm 30,7%), tăng 5,3% về số doanh nghiệp, tăng 30,2% về số vốn; có 99.548 doanh nghiệp thuộc khu vực Dịch vụ (chiếm 72,1%) với tổng số vốn đăng ký là 1.173.443 tỷ đồng (chiếm 67,8%), tăng 5,1% về số doanh nghiệp, tăng 12,9% về số vốn.
Số lượng doanh nghiệp thành lập mới vẫn tập trung chủ yếu ở các ngành: Bán buôn; bán lẻ; sữa chữa ô tô, xe máy với 46.110 doanh nghiệp (chiếm 33,4%) và số vốn đăng ký là 206.292 tỷ đồng (chiếm 11,9%); tiếp đến là ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo có 17.214 doanh nghiệp (chiếm 12,5%) với số vốn đăng ký là 182.816 tỷ đồng (chiếm 10,6%); ngành Xây dựng có 17.007 doanh nghiệp (chiếm 12,3%) với số vốn đăng ký là 243.336 tỷ đồng (chiếm 14,1%).
Có 12 ngành kinh doanh chính có số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng so với năm 2018, trong đó, các ngành có tỷ lệ tăng cao nhất là: Sản xuất, phân phối điện, nước, gas (tăng 50,5%); Vận tải kho bãi (tăng 47,6%); Hoạt động dịch vụ khác (tăng 26,1%).
Có 05 ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm so với cùng kỳ năm 2018 là: Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (giảm 20,8%); Dịch vụ lưu trú và ăn uống (giảm 2,1%); Khai khoáng (giảm 2,1%); Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy (giảm 0,6%) và Nghệ thuật, vui chơi và giải trí (giảm 0,1%). Trong đó, ngành Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy cần lưu ý do số lượng doanh nghiệp và số vốn đăng ký cùng giảm (số vốn giảm 34,5%). Các ngành khác cũng có số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới giảm là Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội (giảm 42,4%), Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (giảm 16,5%).
– Phân theo địa bàn:
Trong năm 2019, tất cả 06 vùng lãnh thổ đều có sự gia tăng về doanh nghiệp thành lập mới so với năm 2018.
Khu vực Đông Nam Bộ có số lượng doanh nghiệp thành lập mới đạt cao nhất với 58.673 doanh nghiệp (chiếm 42,5% cả nước) và số vốn đăng ký là 818.660 tỷ đồng (chiếm 47,3% cả nước), tăng 5,1% về số doanh nghiệp và tăng 31,1% về số vốn so với năm 2018. Trong đó, tại TP. Hồ Chí Minh, có 44.769 doanh nghiệp (chiếm 76,3% của khu vực và chiếm 32,4% cả nước) với số vốn đăng ký là 680.476 tỷ đồng (chiếm 83,1% của khu vực và chiếm 39,3% cả nước), tăng 3,6% về số doanh nghiệp và tăng 33,8% về số vốn.
Tiếp đó là Đồng bằng Sông Hồng với 41.842 doanh nghiệp thành lập mới (chiếm 30,3% cả nước) và số vốn đăng ký là 517.387 tỷ đồng (chiếm 29,9% cả nước), tăng 7,6% về số doanh nghiệp và tăng 2,6% về số vốn so với năm 2018. Trong đó, Thủ đô Hà Nội có 27.711 doanh nghiệp (chiếm 66,2% của khu vực và chiếm 20,1% cả nước) với số vốn đăng ký là 381.502 tỷ đồng (chiếm 73,7% của khu vực và chiếm 22,1% cả nước), tăng 9,8% về số doanh nghiệp và giảm 1,5% về số vốn đăng ký so với năm 2018.
Tây Nguyên có sự gia tăng mạnh mẽ nhất về số lượng doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký với 3.599 doanh nghiệp (chiếm 2,6% cả nước), tăng 11,8% và số vốn đạt 45.128 tỷ đồng (chiếm 2,6% cả nước), tăng 87%.
Đồng bằng Sông Cửu Long là khu vực duy nhất có số vốn đăng ký giảm với 9.388 doanh nghiệp thành lập mới (chiếm 6,8% cả nước) và số vốn đăng ký là 105.768 (chiếm 6,1% cả nước), tăng 1,3% về số lượng doanh nghiệp nhưng giảm 7,3% về số vốn so với năm 2018.
– Phân theo quy mô vốn:
Doanh nghiệp thành lập mới tập trung chủ yếu ở quy mô vốn từ 0 – 10 tỷ đồng với 122.375 doanh nghiệp (chiếm 88,6%, tăng 4,6% so với năm 2018) và ít nhất là ở quy mô vốn từ 50 – 100 tỷ đồng với 1.893 doanh nghiệp (chiếm 1,37%, tăng 15,1%). Một điều đáng mừng là sự gia tăng tương đối mạnh mẽ về số lượng doanh nghiệp thành lập mới ở quy mô vốn trên 100 tỷ đồng với 1.943 doanh nghiệp (chiếm 1,41%, tăng 13,2%).
b) Tình hình doanh nghiệp quay trở lại hoạt động
Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm 2019 là 39.421 doanh nghiệp, tăng 15,9% so với năm 2018.
Trong năm 2019, chỉ có 02 ngành kinh doanh chính có số lượng doanh nghiệp quay lại hoạt động giảm, cụ thể: Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản có 714 doanh nghiệp, giảm 10%; Hoạt động dịch vụ khác có 383 doanh nghiệp, giảm 11,8%.
Số lượng doanh nghiệp quay lại hoạt động trong năm 2019 tập trung chủ yếu ở các ngành: Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có 15.283 doanh nghiệp, tăng 21,4%; Xây dựng có 6.140 doanh nghiệp, tăng 14,6%; Công nghiệp chế biến chế tạo có 4.624 doanh nghiệp, tăng 5,7%. Nghệ thuật, vui chơi và giải trí và Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm là hai ngành có tỷ lệ tăng doanh nghiệp quay lại hoạt động cao nhất, đạt lần lượt là 49,8% và 30,5%.
Phân theo địa bàn, trong năm 2019, có 05 trong số 06 vùng lãnh thổ có số lượng doanh nghiệp quay lại hoạt động tăng và chỉ duy nhất Đông Nam Bộ là khu vực giảm về số lượng doanh nghiệp này so với năm 2018, cụ thể: Trung du và miền núi phía Bắc có 2.268 doanh nghiệp (tăng 71,4%), Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung có 6.656 doanh nghiệp (tăng 32,9%), Đồng bằng Sông Cửu Long có 2.955 doanh nghiệp (tăng 30,9%), Tây Nguyên có 1.325 doanh nghiệp (tăng 27,5%), Đồng bằng Sông Hồng có 12.389 doanh nghiệp (tăng 24,8%), và Đông Nam Bộ có 13.828 doanh nghiệp (giảm 4,3%).
2.2. Tình hình doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường
Trong năm 2019, có 89.282 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (tăng 20,2% so với năm 2018), bao gồm: 28.731 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (tăng 5,9%), 43.711 doanh nghiệp chờ giải thể (tăng 41,7%), 16.840 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể (tăng 3,2%). Trung bình mỗi tháng có 7.440 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
a) Tình hình doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn
Trong năm 2019, cả nước có 28.731 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 5,9% so với năm 2018. Đây là những doanh nghiệp đã thực hiện thủ tục đăng ký tạm ngừng kinh doanh dưới 01 năm với cơ quan đăng ký kinh doanh, sau khi kết thúc thời gian tạm ngừng có thể sẽ quay trở lại hoạt động kinh doanh.
Trong năm 2019, có 14 ngành kinh doanh chính có sự gia tăng về số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, trong đó có: Kinh doanh bất động sản (598 doanh nghiệp, tăng 36,8%), Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (265 doanh nghiệp, tăng 25%), Sản xuất, phân phối điện, nước, gas (166 doanh nghiệp, tăng 19,4%), Dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc, thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (1.502 doanh nghiệp, tăng 14,6%), Công nghiệp chế biến, chế tạo (3.656 doanh nghiệp, tăng 10,8%), Khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo và chuyên môn khác (1.702 doanh nghiệp, tăng 10,3%)…
Phân theo địa bàn, Đồng bằng Sông Hồng có số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh cao nhất với 10.185 doanh nghiệp (chiếm 35,45% cả nước), tăng 8,6%; tiếp đến là Đông Nam Bộ với 9.521 doanh nghiệp (chiếm 33,13%), tăng 8,3%; Tây Nguyên là khu vực duy nhất có số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh giảm so với năm 2018 với 877 doanh nghiệp (chiếm 3,1%), giảm 3%.
b) Tình hình doanh nghiệp chờ giải thể
Trong năm 2019, số doanh nghiệp chờ giải thể là 43.711 doanh nghiệp, tăng 41,7% so với năm 2018, trong đó có 17.708 doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; 14.496 doanh nghiệp đăng thông báo giải thể và 11.507 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể với cơ quan thuế.
Các ngành kinh doanh chính có số lượng doanh nghiệp chờ giải thể lớn nhất là: Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy với 15.996 doanh nghiệp, chiếm 36,6%; Xây dựng có 6.058 doanh nghiệp, chiếm 13,9%; Công nghiệp chế biến, chế tạo có 5.376 doanh nghiệp, chiếm 12,3%.
Đồng bằng Sông Hồng là khu vực có số lượng doanh nghiệp chờ giải thể lớn nhất với 14.390 doanh nghiệp, chiếm 33%; tiếp đến là khu vực Đông Nam Bộ có 14.035 doanh nghiệp, chiếm 32,1%.
c) Tình hình doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể
Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong năm 2019 là 16.840 doanh nghiệp, tăng 3,2% so với năm 2018.
Có 05 ngành có số lượng doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể giảm là: Khai khoáng có 116 doanh nghiệp, giảm 60,1%; Công nghiệp chế biến chế tạo có 1.830 doanh nghiệp, giảm 17,1%; Xây dựng có 1.625 doanh nghiệp, giảm 12,1%; Nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản có 364 doanh nghiệp, giảm 7,4% Và Vận tải kho bãi có 709 doanh nghiệp, giảm 5,2%.
Các ngành có tỷ lệ gia tăng doanh nghiệp giải thể nhiều nhất là: Kinh doanh bất động sản có 686 doanh nghiệp, tăng 39,4%; Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội có 103 doanh nghiệp, tăng 47,1% và Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm có 208 doanh nghiệp, tăng 30,8%.
Phân theo vùng lãnh thổ, ba vùng có số lượng doanh nghiệp giải thể giảm là: Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung (2.541 doanh nghiệp, giảm 42,7%), Trung du và miền núi phía Bắc (855 doanh nghiệp, giảm 15%) và Tây nguyên (516 doanh nghiệp, giảm 10,4%).
Khu vực Đông Nam Bộ có số lượng doanh nghiệp giải thể lớn nhất với 6.385 doanh nghiệp (chiếm 37,9% cả nước), tăng 22,2%. Đồng bằng Sông Hồng có 3.529 doanh nghiệp giải thể (chiếm 21%), tăng 12,9%. Đồng bằng Sông Cửu Long có sự gia tăng đột biến về số lượng doanh nghiệp giải thể với 3.014 doanh nghiệp (chiếm 17,9%), tăng 54,8%.
2.3. Tình hình doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký
Trong năm 2019, trên cả nước có 46.841 doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, tăng 43,4% so với năm 2018. Đây là những doanh nghiệp không còn kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký, qua kiểm tra của cơ quan thuế thì không tìm thấy và không liên lạc được.
Số lượng doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đăng ký tập trung chủ yếu ở các ngành: Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy (16.035 doanh nghiệp, chiếm 34,2%); Xây dựng (7.181 doanh nghiệp, chiếm 15,3%); Công nghiệp chế biến, chế tạo có 5.561 doanh nghiệp (chiếm 11,9%).
Các địa phương có số lượng doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đăng ký lớn nhất là: TP Hồ Chí Minh (13.458 doanh nghiệp, chiếm 28,7%), Hà Nội (10.677 doanh nghiệp, chiếm 22,8% cả nước), Thanh Hóa (2.233 doanh nghiệp, chiếm 4,8%), và Hải Phòng (1.580 doanh nghiệp, chiếm 3,4%).
Nguồn Cục Quản lý đăng ký kinh doanh
Nguồn: https://dangkykinhdoanh.gov.vn/vn/tin-tuc/597/5051/tinh-hinh-dang-ky-doanh-nghiep-nam-2019.aspx